Trang chủ Đệ tử quy Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)

Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)

0
Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)

Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)

Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN). Chúng ta nhìn thấy chữ “cẩn” này liền nghĩ đến điều gì vậy? Phải thật cẩn thận! Cẩn thận khi nói năng, hành động.

CHƯƠNG THỨ BA – Đệ Tử Quy

CẨN

Chúng ta nhìn thấy chữ “cẩn” này liền nghĩ đến điều gì vậy? Phải thật cẩn thận! Cẩn thận khi nói năng, hành động. Thật ra chương Nhập tắc hiếu” (Ở nhà phải hiếu) và chương “Xuất tắc đễ” (Biểu hiện người em) đều có quan hệ với cẩn thận. Những lễ nghi trong chương “Xuất tắc đễ” như: “Người lớn đứng, trẻ chớ ngồi. Người lớn ngồi, cho phép ngồi. Hoặc ăn uống, hoặc đi đứng, người lớn trước, người nhỏ sau” đều là chừng mực trong lời nói và hành động, chúng ta cũng cần cẩn thận khi giao tiếp.

Có một công ty đầu tư nước ngoài nổi tiếng ở Bắc Kinh cần tuyển nhân viên. Ứng viên cũng phải làm các bài kiểm tra và thi tiếng Anh. Trong quá trình này đã loại ra rất nhiều người, cuối cùng còn lại một số người chuẩn bị thi vấn đáp lần cuối cùng. Lúc đó ông chủ của công ty đi vào, ngồi cùng với họ một lát thì ông chủ này nói: “Bây giờ tôi có việc cần phải ra ngoài khoảng mười phút, các vị đợi tôi một chút”.

Ông chủ này đi ra ngoài. Mọi người ngồi ở bên trong được một vài phút thì đứng dậy. Sau đó nhìn thấy trong văn phòng có một số tài liệu, họ liền mở ra xem. Sau khi xem xong còn đưa cho người khác xem và người này cũng mở ra xem. Mười phút trôi qua, ông chủ này bước vào và nói: “Các vị đều không được tuyển chọn”.

Bởi vì trong văn phòng có lắp máy quay phim, nên ông chủ nhìn thấy người nào cũng chạm vào tài liệu của công ty. Bởi vì họ chưa được học câu: “Việc tuy nhỏ, chớ tự làm. Nếu đã làm, thiếu đạo con”. Họ cũng chưa được học qua: “Vào phòng trống, như có người”. Cho dù không có chủ nhân, cho dù không có người khác ở đó, chúng ta cũng phải giữ chừng mực, không được mảy may khinh suất.

Khi ông chủ này tuyên bố: “Các vị đều không được tuyển chọn”, thì những người này giận dữ bất bình: “Sao có thể như vậy được!”. Những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học này nói: “Từ nhỏ đến lớn không có ai nói cho chúng tôi biết không được phép tự ý mở xem tài liệu của người khác”. Việc đối nhân xử thế này vô cùng quan trọng, nên chúng ta phải cẩn thận.

Nhìn ở góc độ nhỏ, thì chữ “cẩn” này có thể hiểu là khi chúng ta không cẩn thận sẽ làm trở ngại đến người khác. Ví dụ quý vị ngồi không đàng hoàng, chân cứ duỗi thẳng ra thì rất có thể sẽ làm người khác vấp ngã. Nếu như ở góc độ lớn, quý vị không đủ cẩn thận cũng có thể gây nên tai họa, gây nên thương vong.

Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)
Đệ Tử Quy Chương III: CẨN (CẨN THẬN)

Trước đây, ở Mỹ có một vụ rơi máy bay trực thăng. Sau đó điều tra ra nguyên nhân là do máy bay thật ra đã có vết nứt nhưng khi kiểm tra không phát hiện, cho nên máy bay bị rơi còn người thì bị thiệt mạng. Vì vậy, khi chúng ta làm công việc cần làm của mình cũng phải luôn luôn cẩn thận, nếu không có thể do sơ suất mà gây nên tổn hại đến tài sản và tính mạng của người khác.

Giống như tôi thường xuyên phải đi máy bay đến rất nhiều nơi để diễn giảng. Nếu như không cẩn thận, hôm nay phải đi Malaysia mà không tìm thấy hộ chiếu thì sẽ xảy ra tình huống gì? Bởi vì không có “nón quần áo, để cố định, chớ để bừa, tránh dơ bẩn” nên sẽ có kết cục gì vậy? Không chỉ bản thân mà có thể toàn bộ tâm trí sẽ vô cùng căng thẳng, nếu đi không được sẽ có lỗi với những người đang chờ đợi mình.

Vì vậy, cẩn thận tuy là một việc nhỏ, nhưng sức ảnh hưởng của nó quả thật rất lớn. Nếu như người lãnh đạo của một đơn vị không cẩn thận, thì cũng có thể vì một lỗi rất nhỏ mà gây nên tổn thất không cách gì bù đắp được. Do đó, nhất định phải hình thành thái độ cẩn thận cho trẻ ngay từ nhỏ.

Năm ngoái, ở Trung Quốc Đại Lục xảy ra một vụ án khiến mọi người đều phải suy ngẫm, đó là vụ án “Mã Gia Tước”. Mã Gia Tước là một sinh viên đại học. Anh vẫn chưa tốt nghiệp nhưng tham gia rất nhiều thí nghiệm vật lý, hóa học trên toàn quốc, cũng rất có danh tiếng. Anh ấy có ưu tú không? Ưu tú. Cuối cùng, bởi vì xung đột với bạn học mà anh ấy đã giết bốn người, bị truy nã toàn quốc. Vụ án này đã làm chấn động cả giới giáo dục, khiến họ phải suy nghĩ việc chú trọng giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên.

Tôi cũng đã hỏi một số người bạn rằng: “Khi bạn thấy Mã Gia Tước làm như vậy, bạn suy nghĩ như thế nào?”. Có một số người nói rằng: “Người như vậy thì chỉ có mau đem ra tử hình, đem ra bắn”. Có một số người trong ngành giáo dục có thể không nhìn ở góc độ này, họ cảm thấy Mã Gia Tước rất đáng thương.

Anh ấy vẫn chưa bước chân ra xã hội, tại vì sao lại gây ra việc tàn nhẫn, việc tày đình như vậy? Sau sự kiện này, gia đình phải xem lại, trường học cũng phải suy ngẫm tại vì sao một sinh viên đại học có thành tích ưu tú như vậy nhưng không được học về thái độ làm người. Hơn nữa, trước khi sự việc này xảy ra, có lẽ anh ấy là niềm tự hào của cha mẹ.

Bởi vì anh là người ở nơi làng quê xa xôi mà thi đậu đại học, trong làng quê đó của họ chỉ có anh ấy là sinh viên đại học. Vì vậy, thật sự chúng ta không nên bị những thứ “danh” bên ngoài này nhấn chìm, mà cần phải nhìn thấy thực chất hơn.

Điều khiến cuộc đời một người có thể sống vững vàng, viên mãn không phải là học lực mà là đức hạnh. Mã Gia Tước chưa có học “Đệ Tử Quy”. Nếu như anh ấy đã học “phàm là người, đều yêu thương” thì anh ấy sẽ không gây ra chuyện như vậy. Nếu như anh được học anh thương em, em kính anh, hoặc được học lời nhường nhịn, tức giận mất thì sẽ không gây nên chuyện đáng tiếc này.

Tại vì sao anh ấy giết người? Bởi vì bạn học của anh thường hay cười nhạo anh vì anh quá nghèo, anh không có áo quần đẹp để mặc. Trong tù, anh còn nói với trưởng trại giam rằng: “Bộ quần áo này là bộ đẹp nhất mà tôi từng được mặc”. Khi tất cả bạn học đều cười nhạo anh như vậy, thì cảm giác tự ti của anh sẽ càng ngày càng cao. Do bị kích thích như vậy nên anh mới bị mất lý trí.

Từ sự việc này, tôi cũng muốn cảnh báo với phụ huynh rằng, quý vị cần đứng từ một góc độ khác nữa để nhìn sự việc, đó là tại vì sao những bạn học này bị giết? Vì sao vậy? Có phải do ngẫu nhiên không? Không phải. Bởi vì họ không có chừng mực trong cách làm người, họ chưa có học được: “Không nịnh giàu, chớ khinh nghèo”. Họ chưa có học được: “Người có lỗi, chớ vạch trần; việc riêng người, chớ nói truyền”.

Họ đem việc riêng tư người khác ra giễu cợt thì làm sao trách người ta đối xử không có lý trí được. Còn có một câu nói rằng: “Khen người ác, chính là ác; ác cùng cực, tai họa đến”. Người ta như chó bị dồn vào chân tường.

Từ sự việc này chúng ta cũng phải suy ngẫm, chúng ta dạy con cái tuyệt đối không được để chúng làm tổn hại người khác giống như Mã Gia Tước. Chúng ta cũng phải dạy con cái không được đi gây chuyện, công kích người khác. Khi các em nói chuyện cười nhạo người khác, khinh miệt người khác, thì bản thân phụ huynh chúng ta phải cẩn thận, bởi vì việc này sẽ khiến cho cuộc đời sau này của các em đầy rẫy nguy cơ. Từ sự việc này chúng ta cũng hiểu được rằng, thật sự phải cẩn thận trong nói năng, hành động.

Xem mời xem tiếp phần sau: “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”.

Exit mobile version