Đệ Tử Quy Chương II: “Anh Em Thuận, Hiếu Trong Đó”
Đệ Tử Quy Chương II: “Anh Em Thuận, Hiếu Trong Đó”. Chung sống hòa thuận là kết quả, vậy nguyên nhân do đâu? Nhân ở “đối xử bình đẳng” mới có thể hòa thuận. Đối xử bình đẳng, đây là nhân. Bình đẳng, “bình” nên lòng người cũng bình. Lòng người bình mới không sinh tranh chấp.
1. Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung. Tài vật khinh, oán hà sinh. Ngôn ngữ nhẫn, phẫn tự mẫn”.
“Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó. Tiền của nhẹ, oán nào sinh. Lời nhường nhịn, tức giận mất”.
(Tiếp theo phần trước)
1.2 “Anh em thuận, hiếu trong đó” – Đệ Tử Quy
Giữa người với người làm sao chung sống hòa thuận? Chúng ta hãy suy nghĩ xem, ví dụ gia tộc của Trần Phưởng có đến 700 người vẫn chung sống hòa thuận, chúng ta hiện nay trong nhà có ba người mà đã không hợp nhau rồi. Thật sự chúng ta tệ hơn quá nhiều! Thậm chí chưa có con mà hai vợ chồng cũng đã cãi nhau không thể giảng hòa. Quý vị xem, người ta có thể bao dung được 700 người, thật sự là người có tri thức!
Chung sống hòa thuận là kết quả, vậy nguyên nhân do đâu? Nhân ở “đối xử bình đẳng” mới có thể hòa thuận. Đối xử bình đẳng, đây là nhân. Bình đẳng, “bình” nên lòng người cũng bình. Lòng người bình mới không sinh tranh chấp. Dạy con cái của mình nhất định phải nắm vững nguyên tắc, đó là tuyệt đối phải quan tâm bình đẳng. Tuyệt đối không được đối xử với con trai lớn tốt, còn đối với con thứ không tốt bằng.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc chúng ta, rất nhiều người bởi vì cưng chiều một người con nào đó mà cuối cùng tạo thành kết quả anh em cấu xé nhau rất nhiều. Bởi vì lòng người bất bình thì sớm muộn gì cũng sẽ có tranh chấp. Chúng ta lại suy nghĩ sâu xa thêm, ví dụ nói hiện nay chúng ta đối với đứa bé này tương đối tốt thì có giúp được gì cho nó không?
Quý vị đối với chúng tương đối tốt, chúng nhất định sẽ đối tốt với quý vị phải không? Sai rồi. Quý vị cưng chiều chúng quá mức thì chúng sẽ ngày càng ích kỷ, vậy là quý vị đã hại chúng. Còn đứa trẻ mà chúng ta không để ý đến thì trong lòng sẽ rất bất bình, không cân bằng, có khi lại trở nên rất tiêu cực. Vậy là chúng ta hại cả hai. Như vậy là không có lý trí! Cho nên “bình” rất quan trọng.
Tuy tôi là con trai độc nhất trong gia đình, nhưng cha của tôi đối xử với ba chị em chúng tôi rất bình đẳng. Ví dụ lúc khen thưởng đều thưởng giống nhau, không có thưởng cho tôi nhiều hơn, nếu không đến lúc đó tôi sẽ ỷ được cưng chiều mà kiêu ngạo.

Vào thời nhà Minh có một người trí thức tên là Trịnh Liêm. Gia tộc của họ bảy đời sống chung trong một gia đình. Chúng ta thời đại này nhiều nhất nghe nói đến là mấy đời? Ba đời, quá ít rồi. Tôi ở Đại Lục có nghe nói năm đời sống chung trong một gia đình. Trịnh Liêm là bảy đời sống chung trong một gia đình.
Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương rất khâm phục ông, ban tặng cho ông một tấm biển ghi là: “Thiên hạ đệ nhất gia”. Bao nhiêu người vậy? Khoảng 1.000 người. Ngoài việc ban tặng tấm biển này, còn tặng cho ông hai quả lê lớn. Minh Thái Tổ cũng là người rất có ý, ông nghĩ: “Ta tặng ông ấy hai quả lê, thử xem ông chia cho 1.000 người như thế nào?”.
Ông còn phái cẩm y vệ đi theo sau để xem Trịnh Liêm xử lý sự việc này như thế nào. Quý vị bằng hữu, quý vị sẽ xử lý như thế nào? Quý vị suy nghĩ xem?
Nếu như quý vị là Trịnh Liêm, quý vị sẽ xử lý như thế nào? “Sẽ đem chúng đi nấu có đúng không?”. Chúng ta hãy cho vị bằng hữu này một tràng pháo tay! Chắc quý vị đều biết, trái lê được nấu chín thì rất tốt cho cổ họng. Cách làm của Trịnh Liêm cũng giống như cách làm của vị bằng hữu này.
Trịnh Liêm đã lấy hai thùng nước to, mỗi thùng bỏ vào một trái lê rồi dầm nát trái lê này để cho nước từ trái lê hòa vào nước trong thùng. Sau khi làm xong, ông nói: “Nào! Mỗi người hãy uống một bát”. Rất bình đẳng, nên lòng người sẽ yên, mọi người đều cảm thấy thật công bằng. Những người họ hàng xa với Trịnh Liêm cũng cảm thấy vị trưởng bối này đáng được tôn kính.
Sau đó, Minh Thái Tổ hỏi Trịnh Liêm: “Khanh làm cách nào quản lý được 1.000 người này? Khanh đã dùng phương pháp gì?”. Kết quả Trịnh Liêm đã trả lời một câu: “Không nghe lời của phụ nữ”. Quý vị nữ đừng nên nghe câu này xong thì nói: “Tôi không muốn nghe nữa, tôi đi đây!”. Quý vị đừng nên y theo nguyên văn mà giải nghĩa. Bất cứ câu nói nào cũng đều mang ý nghĩa thời đại của nó.
Chúng ta cần phải hiểu rằng phụ nữ thời xưa nói chung không có cơ hội được đọc sách Thánh Hiền, chưa lĩnh hội được tâm lượng của Thánh Hiền, nên khó tránh được họ có chút tâm tự tư. Chỉ cần có tự tư thì sẽ dành cho con cái của chính mình nhiều hơn một chút, như vậy sẽ khiến người khác oán trách. Vì vậy, oán trách sinh ra từ tâm tự tư.
Nếu rất nhiều thành viên trong gia tộc bắt đầu tranh chấp nhau, thì toàn bộ 1.000 người sẽ bị chia rẽ. Phụ nữ thời nay đều đọc sách, nên lời nói tương đối không còn tự tư tự lợi, có khi nam giới còn tự tư hơn, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Người nam như vậy thì tính cách tương đối giống phụ nữ.
Câu nói này quý vị phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là ở trong gia đình tuyệt đối không thể so đo tính toán, vì như thế nhất định sẽ tạo ra tranh chấp. Trịnh Liêm có thể duy trì gia tộc được cả ngàn người không phải là không có nguyên nhân.
Con người vì sao lại muốn tranh chấp? Họ cảm thấy rằng, hình như cái mà họ tranh được là của họ. Vì vậy, câu tiếp theo cho chúng ta một phương pháp quan trọng về việc làm cách nào để anh em nhường nhịn. Trong gia đình có sự nhường nhịn thì mới có thể chung sống hòa thuận, an vui.