Chương Bảy (TT): Hòa Thúc Muội (Hòa Thuận Với Anh Chị Em Chồng)
Chương Bảy: Hòa Thúc Muội (Hòa Thuận Với Anh Chị Em Chồng): Trong “Kinh Dịch” có câu: “Hai người đồng tâm thì sức mạnh có thể cắt được vàng. Lời nói đồng lòng thì sẽ như hoa lan tỏa hương thơm vậy”. Đây nói về cái đạo “dĩ hòa vi quý”. Chị dâu và em chồng vốn không cùng quan hệ huyết thống, nhưng tôn ti địa vị hơn kém nhau.
CHƯƠNG BẢY: HÒA THÚC MUỘI (HÒA THUẬN VỚI ANH CHỊ EM CHỒNG)
Phụ nữ có được tình yêu của chồng là do được cha mẹ chồng yêu thương. Cha mẹ chồng yêu thương là do được em trai, em gái của chồng yêu mến. Từ đó suy ra, sự vinh hay nhục của chính mình là do em trai, em gái của chồng mà nên, vì vậy không được để mất lòng em trai, em gái của chồng.
Người thông thường không biết rằng không được để mất lòng em trai em gái của chồng, họ không chung sống hòa thuận với các em của chồng mà vẫn mong được lòng cha mẹ chồng, đây là việc hồ đồ lắm vậy. Người ta nào phải Thánh Hiền, khó mà không mắc lỗi phạm sai.
Nhan Hồi hay ở chỗ biết lỗi liền sửa, thế nên Khổng Tử khen ông là người không mắc lỗi hai lần. Nhan Hồi còn có lỗi thì người làm vợ sao tránh khỏi không có lỗi lầm? Dẫu là người phẩm hạnh hiền huệ, thông minh mẫn tiệp, há có thể không mắc lỗi ư? Thế nên, nếu như có thể chung sống hòa thuận với cả nhà, cho dù mình phạm lỗi vẫn có thể được che giấu, tiếng xấu không đến nỗi lan truyền ra ngoài khiến người cười chê.
Nếu không thể chung sống hòa thuận với người trong nhà, một khi mắc phải lỗi lầm, tiếng xấu sẽ nhanh chóng lan truyền đi xa.
Trong “Kinh Dịch” có câu: “Hai người đồng tâm thì sức mạnh có thể cắt được vàng. Lời nói đồng lòng thì sẽ như hoa lan tỏa hương thơm vậy”. Đây nói về cái đạo “dĩ hòa vi quý”. Chị dâu và em chồng vốn không cùng quan hệ huyết thống, nhưng tôn ti địa vị hơn kém nhau.
Từ hai gia đình khác nhau trở thành người chung một nhà, lúc ban đầu ân tình chưa thể sâu đậm, nhưng vì đạo nghĩa mà chung sống thân ái với nhau.
Nếu là người phụ nữ hiền thục, khiêm tốn thì có thể y theo đạo nghĩa mà xây dựng quan hệ tốt với các em của chồng, bố thí ân huệ, khiến họ trở thành sự trợ giúp cho chính mình về sau, khiến đức hạnh của chính mình mỗi ngày được nêu ra, còn lỗi lầm của chính mình đều được che giấu, được cha mẹ chồng khen ngợi, chồng cũng sẽ ngợi khen, tiếng tốt lan xa khắp xóm làng, cha mẹ ruột cũng vì đó mà nở mày nở mặt.
Còn như những phụ nữ ngu si, cậy mình làm chị dâu, kiêu căng tự đại với em trai chồng, ỷ vào sự sủng ái của chồng mà lên mặt với em gái chồng. Đôi bên hễ có tâm ngạo mạn thì sao còn có thể hòa thuận được chứ? Người cùng một nhà đã không còn ân nghĩa thì sao còn có tiếng tốt để được ngợi khen?
Như thế nết tốt của mình sẽ ngày ngày bị vùi lấp, còn lỗi lầm sẽ dần dần bị nêu ra, cha mẹ chồng tức giận, chồng cũng phẫn nộ. Lời chê bai hủy báng sẽ lan khắp trong ngoài, chính mình chuốc lấy sự hổ thẹn. Ở lại nhà của chồng thì khiến cho cha mẹ mình xấu hổ, mà trở về nhà mẹ ruột thì sẽ làm lụy cho chồng.
Mối quan hệ với các em của chồng là cái gốc của sự vinh nhục, là căn bản của danh thơm, tiếng xấu, há không thể không cẩn thận được ư? Muốn được lòng các em của chồng, chỉ cần làm được khiêm hạ, nhu thuận.
Khiêm hạ là cái gốc của đức hạnh, thuận là hành vi chuẩn tắc của phụ nữ. Nếu có thể làm được hai điều này, đủ để tạo nên mối quan hệ tốt với các em chồng rồi vậy. Kinh Thi có câu: “Bên mình không có tâm ghen ghét thì bên kia cũng chẳng có lòng đố kỵ”, đạo lý chính là như thế.