Đệ Tử Quy (P1):Trong Đời Người, Điều Quan Trọng Nhất Là Lựa Chọn Đúng
Contents
Đệ Tử Quy (P1): Trong Đời Người, Điều Quan Trọng Nhất Là Lựa Chọn Đúng – Khi có lựa chọn đúng đối với mỗi một điều trong cuộc sống thì quý vị mới có thể thẳng tiến đi trên con đường hạnh phúc.
PHẦN MỘT
GIÁO DỤC VÀ NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Quý vị bằng hữu, xin chào mọi người!
Lần diễn giảng này của chúng tôi có tên là “Tọa Đàm về Nhân Sinh Hạnh Phúc”, giảng về hạnh phúc của đời người.
Thưa các vị bằng hữu! Hạnh phúc là điều mà mỗi người chúng ta đều mong cầu. Mỗi một người đều hy vọng có được hạnh phúc. Vậy làm thế nào để đời sống được hạnh phúc? Chúng ta đã trải qua mấy mươi năm cuộc đời rồi, quý vị có cảm thấy hạnh phúc không? Có rất nhiều người đang mỉm cười. Cười là cảm giác của hạnh phúc đó mà! Lúc nằm mộng, có khi nào quý vị ngủ đến cười mà thức dậy không? Có hay không mọi người nói thử xem?
Mọi người ngủ đến cười mà thức dậy là nguyên nhân gì? Quý vị có thể làm cho cuộc sống mình ngày càng có nhiều niềm vui không? Nếu như chúng ta đầu tư cho cuộc sống như vậy, thì đời sống sẽ càng ngày càng hạnh phúc.
Những việc nào làm cho quý vị khi vừa nghĩ đến thì liền cảm thấy rất hoan hỉ, rất an lạc? Có ai chia sẻ cho mọi người cảm giác hạnh phúc của mình không? Vì sao không có ai hết vậy? Món đồ tốt thì phải để bạn bè tốt cùng chung hưởng chứ. Khi chúng ta đem món đồ tốt để người bạn tốt cùng chung hưởng, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không? Người cho hạnh phúc hơn người nhận. Hiện tại, buổi chiều chúng ta đến nghe giảng, nhất định có người sẽ mời người bạn tốt nhất của mình cùng đến.
Có quý vị nào làm như vậy hay không? Khi chúng ta mời người bạn tốt nhất của mình đến, để họ thông qua buổi giảng này có thể có được quan niệm quan trọng nhất của đời người, thì nội tâm của chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào? Rất hoan hỷ. Nếu như qua tiết mục này mà họ biết được phải làm thế nào dạy tốt con cái, để con trẻ hiểu được hiếu đạo, sau đó con cái của họ chân thật hiểu được hiếu đạo, thì người bạn của chúng ta ngủ đến nửa đêm sẽ mỉm cười mà thức dậy! Quý vị không chỉ hưởng hạnh phúc một mình, mà còn cho người khác cùng hưởng.
1. Trong đời người, điều quan trọng nhất là lựa chọn đúng
Thưa quý vị, chúng ta hồi tưởng lại một chút, trong cuộc đời của chúng ta, tất cả những gì làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc thật ra đều vì chúng ta đã lựa chọn đúng đắn, cho nên cái khó nhất của đời người không phải là phấn đấu mà là chọn lựa.
Các vị bằng hữu! Cuộc đời của quý vị đã từng có những chọn lựa đúng nào? Trong cuộc đời, chúng ta từng giây từng phút đều là đang chọn lựa. Hiện tại chúng ta có đang chọn lựa hay không? Thí dụ lúc này có người ở bên dưới nói: “Hôm nay mệt quá, mình hãy ngủ gật cho khỏe!”, vậy chúng ta chọn lấy ngủ gật hay cố gắng nghe giảng? Lựa chọn khác nhau chắc chắn sẽ tạo thành kết quả không giống nhau.
Tục ngữ có câu: “Nam sợ chọn sai nghề, nữ sợ lấy lầm chồng”. Câu nói này trước và sau đều là chọn lựa. “Nam sợ chọn sai nghề”, cho nên phải chọn đúng nghề nghiệp! “Nữ sợ gả lầm chồng”, cho nên phải chọn đúng người bạn đời. Thật ra, hai điều này có một điểm chung, đó chính là phải nhìn người cho chuẩn xác. Ví dụ quý vị chọn đúng nghề nghiệp rồi, nhưng còn phải đi theo người quản lý đúng nữa, thì họ mới có thể đề bạt, mới có thể thành tựu quý vị.
Cho nên năng lực nhìn người rất quan trọng. “Nữ sợ lấy lầm chồng”, lấy lầm chồng rồi có được hạnh phúc hay không? Việc này rất khó. Nếu như đi theo một vị lãnh đạo đúng thì sự nghiệp của quý vị sẽ phát triển rất tốt, tiến thêm bước nữa là gia đình của quý vị sẽ rất an định, cho nên chọn lựa đúng thì đời sống mới có được hạnh phúc.
Cuộc đời còn vấn đề nào cần phải chọn lựa nữa? Sáng nay ai đã ăn sáng xin đưa tay lên? Ồ! Rất nhiều. Xin để tay xuống. Vị nào không ăn sáng xin đưa tay lên? Ồ! Có một vài người chưa ăn. Thưa quý vị! Nếu như không ăn sáng thì chúng ta đã tiến thêm một bước đến sức khỏe không tốt. Đây cũng là chọn lựa. Chọn lựa đúng thì thân thể khỏe mạnh, chọn lựa sai thì sức khỏe sẽ không tốt.
Nếu sức khỏe không tốt, thì đời sống có hạnh phúc không? Không thể nào hạnh phúc. Vì vậy, khi có lựa chọn đúng đối với mỗi một điều trong cuộc sống thì quý vị mới có thể thẳng tiến đi trên con đường hạnh phúc.
Chọn thức ăn cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, chọn bạn cũng vô cùng quan trọng, cho nên có câu: “Ra ngoài nhờ bạn bè”. Thế nhưng chúng ta suy xét một chút, hiện nay những người làm vợ và các bậc cha mẹ đều đang lo lắng chồng và con của họ kết giao lầm bạn.
Giả như họ kết giao lầm bạn, vợ ở nhà cơm cũng ăn không ngon, ngủ cũng không được tốt, cha mẹ của họ cũng sẽ rất lo lắng. Cho nên quý vị phải để trẻ nhỏ và để chính mình hiểu được rằng chọn đúng bạn bè thì đời sống của mình mới có được hạnh phúc. Quý vị chọn đúng bạn rồi thì gia đình của quý vị mới có được hạnh phúc.
Đời người phải biết lựa chọn việc nào quan trọng, việc gì phải nên làm trước, việc gì để làm sau. Thứ tự trước sau cũng phải chọn lựa cho đúng.
·Giáo dục con cái phải được đặt lên hàng đầu.
Chúng ta thường nói: “Điều quan trọng nhất không gì hơn việc dạy con”. Việc lớn thứ nhất của đời người là phải dạy tốt con cái. Giả như con cái chúng ta không được dạy tốt, thì đời này của chúng ta có được hạnh phúc không? Một người có phúc hay không, cuộc đời này của họ có thể trải qua một cách tự tại hay không sẽ được quyết định bởi con cái họ có hiểu chuyện hay không, có hiếu thuận hay không khi họ bước vào tuổi trung niên hoặc về già.
Giả như nuôi dạy ra những đứa con không hiểu chuyện, thì nửa đời sau của chúng ta sẽ rất khó sống, không biết được hôm nay con cái sẽ diễn ra màn kịch nào để cho ta thu dọn tàn cuộc. Bởi vậy, phải giáo dục con cái cho tốt. Nếu quý vị đem việc giáo dục con cái đặt lên hàng đầu, đặt ở vị trí quan trọng, thì quý vị đã chọn lựa đúng thứ tự ưu tiên rồi.
·Làm thế nào để dạy tốt con cái?
Các vị bằng hữu! Làm thế nào để dạy tốt con cái? Các phụ huynh hiện nay cảm thấy thế nào là giáo dục? Xin hỏi thế nào là giáo dục? “Thân giáo”. Chúng ta hãy vỗ tay cổ vũ cho vị này. Loại đáp án này đều không xuất hiện ở người ba – bốn mươi tuổi, mà các trưởng bối cao tuổi mới có được đáp án này.
Khi tôi diễn giảng ở Malaysia, tôi đã hỏi các vị phụ huynh: “Thế nào gọi là giáo dục?”. Có một vị phụ huynh rất là thành thật, ông nói: “Thi được 100 điểm”. Ông ấy đáng được cổ vũ bởi vì ông ấy không có chút giả tạo nào, ông đã nói ra suy nghĩ trong lòng mình.
Khi dạy học trò, tôi cũng rất chú trọng trao đổi với các phụ huynh. Khi cùng các phụ huynh nói chuyện lần đầu tiên, tôi thường hỏi: “Các vị cảm thấy giáo dục con cái thái độ làm người, làm việc quan trọng, hay là đem số điểm của chúng từ chín mươi tám điểm kéo lên đến một trăm điểm là quan trọng?”. Sự việc nào là quan trọng hơn? Là điều trước quan trọng hay điều sau quan trọng? Điều trước. Cho đến bây giờ vẫn không có ai nói điều sau quan trọng hơn.
Quý vị xem, các phụ huynh của chúng ta có sáng suốt hay không? Nghe ra thì rất sáng suốt, nhưng xin hỏi: đại đa số phụ huynh đang làm cái việc ở phía trước hay là việc ở phía sau? Vẫn làm cái điều phía sau phải không? “Lần này con thi được mấy điểm? Mau đem ra đây!”. Trong đầu chỉ là điểm số.
Thưa các vị phụ huynh! Chúng ta phải xem xét lại, chúng ta thường nói với trẻ nhỏ rằng làm người thì lời nói phải đi đôi với việc làm, vậy thì tại sao chúng ta rõ ràng cảm thấy thái độ làm người làm việc là quan trọng nhưng vẫn chú trọng điểm số vậy? Vì sao lại như vậy?
Kỳ thật không thể trách các phụ huynh của chúng ta, bởi vì họ chưa thể nhận ra được thái độ làm người và làm việc đối với cả đời của đứa trẻ có sự ảnh hưởng lâu dài và to lớn đến cỡ nào, nhưng điểm số 100 điểm thì lập tức có thể xem thấy được, hơn nữa còn có thể đem ra khoe là “con trai tôi ba bốn môn đều 100 điểm”.
Chúng ta phải bình lặng mà suy xét, ngày nay chúng ta hướng trẻ nhỏ đi trên con đường của điểm số, xin hỏi chúng sẽ có cuộc đời như thế nào? Quý vị có thể nhìn thấy được hay không? Quý vị muốn đẩy chúng đi trên con đường này thì cũng phải tường tận rằng quý vị đang đẩy trẻ nhỏ đi về hướng danh lợi.
Thưa các vị phụ huynh! Tôi cũng là người được đào tạo ra từ chủ nghĩa học vị. Các vị có nhìn ra không? Các vị thật quá nhân từ, không muốn làm tổn thương tôi ngay trước mặt. Tôi chính là sản phẩm của chủ nghĩa học vị. Tôi còn nhớ khi tôi đang học cấp hai, thi chỉ được 98 điểm, tôi đã khóc đến nửa ngày. Vì sao vậy? Bởi vì lúc đó đang phân lớp chọn, thiếu đi hai điểm nếu không được phân vào lớp chọn thì phải làm sao? Cuộc đời của tôi kể như tiêu rồi! Có cần nghiêm trọng như vậy không?
Tại vì sao tôi lại cảm thấy nghiêm trọng đến như vậy? Quý vị xem, chúng ta vừa mới lên cấp hai mà cái tâm sợ được sợ mất đã nghiêm trọng đến như vậy! Một đứa trẻ sợ được sợ mất thì cả đời này có được hạnh phúc không? Chúng thường sẽ lo chuyện này, buồn chuyện kia. Chủ nghĩa học vị là chỉ nghĩ đến số điểm của chính mình, muốn trội hơn những người khác. Lẽ ra tôi nên có tấm lòng của Phạm Trọng Yêm: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, nhưng bởi vì chủ nghĩa học vị nên tôi chỉ nghĩ đến việc đánh bại người khác.
Tôi nhớ lại thời học cấp ba, khi nhận được bài kiểm tra, tôi đều lướt xem người khác được bao nhiêu điểm. Giả như số điểm của các bạn cao hơn tôi, thì nội tâm của tôi rất khó chịu, mặt mũi hẹp hòi thật khó coi. Nhân cách như vậy có thể có được hạnh phúc không? Chúng ta phải suy xét kỹ.
Tôi nhớ khi tôi tốt nghiệp đại học, trong một cửa tiệm, tôi gặp được một người bạn học thời cấp hai mà mỗi lần thi đều hạng nhất. Trong ấn tượng của tôi, anh ấy là học sinh hạng nhất trong lớp giỏi. Khi anh ấy tốt nghiệp ra trường, bởi vì thời gian dài vùi đầu ở trong đống sách nên năng lực tiếp xúc với người đặc biệt kém, vừa nói đến kinh nghiệm làm việc trong xã hội anh ấy liền run lên.
Anh ấy nói: “Con người vì sao mà khủng khiếp vậy? Tôi cảm thấy rất sợ khi tiếp xúc với họ”. Quý vị xem, năng lực tiếp xúc với người của anh ấy rất thấp, tấm lòng bao dung người khác cũng không hình thành được, cho nên đời sống của anh ấy không thể nào có được hạnh phúc.
Chúng ta hãy cùng nhau suy xét, chúng ta đẩy trẻ nhỏ đi con đường chủ nghĩa học vị, khi chúng ra trường có thể lấy được rất nhiều bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Xin hỏi: Hiện tại mức độ thất nghiệp nhiều nhất là ở học vị nào? Hiện tại tốt nghiệp cấp ba thì không thất nghiệp, vì sao vậy? Họ bằng lòng làm lao động, rửa bát, quét dọn nên họ không bị thất nghiệp. Trái lại, tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh cảm thấy mức lương đó quá thấp nên không bằng lòng làm.
Xin hỏi mọi người: Bằng đại học, bằng thạc sĩ đã cho con trẻ thái độ gì? Không thể cúi xuống. Trong cuộc đời, phải có thể cúi xuống thì mới có thể vươn lên.
Hiện tại, mỗi năm số lượng người tốt nghiệp trên đại học rất nhiều, thế nhưng có rất nhiều người đang thất nghiệp phải không? Chúng ta cùng nhau suy xét một chút, họ đều là nhân tài đã được bồi dưỡng hơn mười năm từ trong thể chế giáo dục, khi ra trường thì không dùng được. Người tốt nghiệp ra trường rất nhiều, thế nhưng nếu như các vị có bạn bè là chủ doanh nghiệp, là quản lý của công ty, thậm chí là chủ quản cơ quan nhà nước, các vị thử hỏi họ xem thanh niên hiện nay có là nhân tài thật sự hay không?
Họ sẽ trả lời thế nào? Họ sẽ nói với quý vị là không tìm được nhân tài. Bộ máy giáo dục vẫn luôn sản xuất ra nhưng kết quả các doanh nghiệp cảm thấy không dùng được.
Nếu như phụ huynh nói với con của mình là: “Con chỉ cần thi cử là đủ rồi, các việc nhà con không cần phải làm, sau khi tốt nghiệp đại học rồi bảo đảm con sẽ có đời sống hạnh phúc mỹ mãn”. Hoặc nói với chúng: “Chỉ cần con học hành cho tốt thì về sau con sẽ được thuận buồm xuôi gió”. Có phụ huynh nào đã đưa ra bảo đảm này với con của mình không? Quý vị sẽ thất vọng.
Không thể có việc này! Hiện tại không có, trước đây cũng không có. Hôm nay chúng tốt nghiệp đại học rồi, nhưng nếu như chúng không biết cách làm người, không biết sống hòa thuận với người, thì cơ hội có tốt hơn cũng sẽ vuột mất ngay trước mặt chúng. Nếu quý vị nói với con mình là chỉ cần học thẳng lên trên, các việc khác không cần phải làm, thì chúng sẽ thiếu mất một thái độ, đó chính là lòng trách nhiệm.
Một đứa trẻ có lòng trách nhiệm thì mới chịu gánh vác. Thế nhưng quý vị nói với chúng cứ học thẳng lên trên là tốt rồi, thì chúng đi học vì cái gì? Chúng nhìn thể diện của ai để học vậy? Nhìn thể diện của cha mẹ mà học. Một đứa trẻ có hiếu tâm thì tuyệt đối sẽ không như vậy. Đứa trẻ có hiếu tâm thì chúng phải để cho cha mẹ an lòng, chúng hy vọng về sau có thể làm cho đời sống của cha mẹ được tốt hơn, cho nên chúng không ngừng nâng cao năng lực cùng đức hạnh của chính mình. Đứa trẻ như vậy sẽ phát triển rất tốt.