Trang chủ Đệ tử quy Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói...

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P1)

0
Đệ Tử Quy Chương 4: "Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ"

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ”

Đệ Tử Quy Chương IV: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ”. Ngôn ngữ là sự trao đổi qua lại nhiều nhất giữa người với người. Nếu như lời nói vô cùng nhã nhặn thì khi nói chuyện với nhau vô hình trung sẽ nâng cao khí chất tu dưỡng của một người.

4.1 Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên. Thoại thuyết đa, bất như thiểu. Duy kỳ thị, vật nịch xảo. Gian xảo ngữ, uế ô từ. Thị tỉnh khí, thiết giới chi”.

“Phàm nói ra, tín trước tiên. Lời dối trá, sao nói được. Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh. Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.

(Tiếp phần trước)

4.1.4 “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ

Ngôn ngữ là sự trao đổi qua lại nhiều nhất giữa người với người. Nếu như lời nói vô cùng nhã nhặn thì khi nói chuyện với nhau vô hình trung sẽ nâng cao khí chất tu dưỡng của một người. Quý vị có cảm thấy mấy hôm nay khí chất của chúng ta vô cùng tốt hay không? Vì vậy từ trường rất quan trọng, hoàn cảnh rất quan trọng. Cho nên chúng ta cần phải xây dựng ngôn ngữ trong gia đình như thế nào, bản thân mình phải biết rõ.

Quý vị làm người lớn, làm cha mẹ, thậm chí là người lãnh đạo của một công ty, khi nói chuyện quý vị không nên nói quá nhanh, cũng không nên nói quá chậm. Lời nói của quý vị đều là lời cổ vũ cho mọi người, khen ngợi mọi người, lợi ích cho mọi người, mở mang trí huệ cho mọi người, thì tin rằng gia đình, đoàn thể, công ty của quý vị chắc chắn đạt được hiệu quả “trên làm dưới noi theo”.

Vì vậy chúng ta không nên quá lo lắng. Bên ngoài có nhiều ô nhiễm như vậy, chỉ cần quý vị giữ cho vững đại bản doanh của chính mình thì tình huống sẽ không đến nỗi tồi tệ. Trong nhà thường xuyên mở “Đệ Tử Quy” do cô Dương Thục Phương giảng, mở “Đệ Tử Quy” của các bậc Thánh Hiền nói thì sẽ làm thay đổi khí chất một cách âm thầm.

Chúng ta đã nói đến: “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”. Nếu như trong gia đình chúng ta có thể xây dựng cách nói chuyện thật tốt đẹp, thì không khí trong gia đình sẽ rất hòa thuận. Nếu như chúng ta lãnh đạo một đoàn thể hoặc một công ty, chúng ta luôn cần phải nói chuyện một cách nhã nhặn để cho tất cả cộng sự, đồng nghiệp khi nói chuyện với chúng ta giống như được tắm trong gió xuân.

Chúng ta nên khích lệ lẫn nhau, tán thành lẫn nhau. Chúng ta cần phải dẫn dắt họ bằng phong cách nói chuyện như vậy. Nếu như quý vị là lãnh đạo của một đoàn thể, lãnh đạo của Chính phủ mà khi nói chuyện đều dùng lời trách mắng người khác, bới móc chuyện riêng tư của người khác, dùng những từ ngữ đả kích người khác, tuy đạt được vui sướng nhất thời nhưng thói xấu đó có ảnh hưởng không tốt về sau, thật sự rất khó lường trước những việc sẽ xảy ra.

Bởi vì trẻ con không có khả năng phán đoán việc tốt xấu, thấy lãnh đạo nói những lời như vậy thì chúng nghĩ mình cũng có thể nói giống như họ. Do vậy, hậu quả phía sau rất khó khắc phục.

Đệ Tử Quy Chương 4: "Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ"
Đệ Tử Quy Chương 4: “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ”

Tục ngữ có câu: “Công môn hảo tu hành” (làm viên chức nhà nước thì dễ tu hành), bởi vì làm viên chức nhà nước thì có sức ảnh hưởng rất lớn, một lời nói có thể làm đất nước hưng thịnh, nhưng một lời nói cũng có thể làm đất nước suy vong. Vì vậy, làm người lãnh đạo thì chúng ta cần phải cẩn thận, cần phải cân nhắc nhiều trong lời ăn tiếng nói. Chỉ cần chúng ta có thái độ này, tin rằng lời nói của chúng ta có thể làm cho bầu không khí trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

“Lời gian xảo”; chữ “gian” này nghĩa là lừa dối, là tinh ranh. Vì sao phải dùng chữ “gian”“xảo” vậy? Bởi vì họ muốn che đậy lỗi lầm về lời nói của mình, che đậy lỗi lầm không giữ chữ “tín” của mình. Nếu như trẻ con dùng lời nói gian xảo, thì chúng có thể đang nói dối. Trẻ con biết nói dối thì chúng có thông minh không? Không thông minh thì không thể nói dối được.

Có một học sinh cấp hai, bởi vì em hay so bì với các bạn học nên em thường muốn mua những món đồ đắt tiền, nhưng mẹ em không cho em mua. Một hôm em muốn mua kính mắt hàng hiệu, mẹ của em không bằng lòng và nói: “Con đã có một cái rồi còn mua thêm làm gì?”.

Người mẹ không cho mua nhưng em đó tự đi mua. Em đó đi một lúc thì mang kính về và nói với mẹ: “Mẹ đi trả tiền cho con đi”. Em đó có thông minh không? Em đó chẳng cần dẫn theo người nào, không cần mang theo tiền mà có thể khiến cho người bán tin rằng mẹ của em sẽ đến trả tiền. Có rất nhiều phụ huynh thấy con cái phản ứng nhanh nhẹn thì liền nói: “Con thật là thông minh!”.

Tôi rất sợ nghe về những đứa trẻ quá thông minh. Trẻ con cần phải thật thà, trung hậu. Trẻ con hiện nay dùng sự thông minh vào việc nói dối, dùng sự thông minh để đạt được mục đích của chúng.

Có một bé gái cùng với người cha đi trên đường trở về nhà. Trên đường có rất nhiều quán kem. Bé gái đi ngang quán thứ nhất liền bước đi chầm chậm rồi nói với cha của em: “Thời tiết sao mà nóng vậy!”. Người cha của em không có phản ứng gì. Đi ngang quán thứ hai, bé gái lại nói: “Lúc này có một (que)cây kem ăn thì tuyệt biết mấy!”. Đến quán cuối cùng, bé gái liền nói: “Đây là quán kem cuối cùng rồi!”.

Sự thông minh của em được dùng vào chuyện gì? Không dùng vào học tập những lời giáo huấn của Thánh Hiền mà dùng để đạt được mục đích của chúng. “Trọng lợi, khinh nghĩa”, khi suy nghĩ của những đứa trẻ chỉ là tự tư tự lợi, thì đạo đức của chúng sẽ giảm dần trong quá trình chúng trưởng thành. Vì vậy, sự thông minh của trẻ con là dùng để làm một người con hiếu, một học trò ngoan, một công dân tốt, như vậy mới là dùng đúng chỗ.

Xin mời xem tiếp phần sau:  “Lời Gian Xảo, Từ Bẩn Thỉu, Thói Tầm Thường, Phải Trừ Bỏ” (P2)

Exit mobile version