Đệ Tử Quy Chương III: “Sắp Vào Cửa, Hỏi Có Ai”
Contents
- 1 Đệ Tử Quy Chương III: “Sắp Vào Cửa, Hỏi Có Ai”
Đệ Tử Quy Chương III: “Sắp Vào Cửa, Hỏi Có Ai”. Chúng ta muốn đi vào phòng của người khác thì trước tiên nhất định phải gõ cửa. Nếu quý vị tự tiện đi vào thì rất thất lễ với người ta, vì vậy trước tiên phải gõ cửa ba cái. Trong phim Hàn Quốc, chúng ta thấy họ không gõ cửa mà chỉ đứng ở ngoài cửa.
3.12 Kinh văn – Đệ Tử Quy
“Tương nhập môn, vấn thục tồn. Tương thượng đường, thanh tất dương. Nhân vấn thùy, đối dĩ danh. Ngô dữ ngã, bất phân minh”.
“Sắp vào cửa, hỏi có ai. Sắp vào nhà, cất tiếng lớn. Người hỏi ai, nên nói tên. Nói ta tôi, không rõ ràng”.
3.12.1 “Sắp vào cửa, hỏi có ai” – Đệ Tử Quy
Chúng ta muốn đi vào phòng của người khác thì trước tiên nhất định phải gõ cửa. Nếu quý vị tự tiện đi vào thì rất thất lễ với người ta, vì vậy trước tiên phải gõ cửa ba cái. Trong phim Hàn Quốc, chúng ta thấy họ không gõ cửa mà chỉ đứng ở ngoài cửa. Ví dụ như bên trong phòng là cấp trên của họ, họ sẽ nói: “Thưa Trưởng phòng! Tôi là Shang Woo đây!”. Trước tiên chúng ta đứng ở bên ngoài thông báo cho người ở bên trong biết.
Nếu như người bên trong đang bận thì họ sẽ nói: “Anh đợi một chút!”. Nếu như không bận việc thì họ nói: “Mời vào!”. Vì vậy, lễ phép là khoảng cách đẹp nhất giữa người với người, khi họ tiếp xúc với nhau sẽ vô cùng thoải mái, sẽ không cảm thấy đường đột. Đây là động tác chúng ta cần phải làm trước khi vào phòng người khác.
Mở rộng ra một chút, chúng ta đến nhà của người khác làm khách, “sắp vào cửa”, sắp vào nhà của người khác, “hỏi có ai”, có thể hỏi thăm họ sống cùng với những ai. Khi chúng ta biết rõ, ví dụ như họ sống với cha mẹ, chị gái, thì giữa bạn bè với nhau có thể hỏi thăm về tình hình gia đình của nhau.
Nếu quý vị nghe được những thông tin như họ có chị gái đang làm việc ở đâu, mấy hôm trước mẹ của họ bị cảm ra sao, hoặc là mẹ của họ thích ăn gì thì nên ghi nhớ. Khi có cơ hội thích hợp đến nhà thăm bạn, quý vị có thể mua một ít thức ăn mà mẹ của bạn muốn ăn mang đến và nói: “Thưa bác! Con nghe nói bác thích ăn cam”, hay là thích ăn gì đó….. Quý vị xem, ấn tượng đầu tiên này sẽ rất tốt.
Như vậy quý vị có biết làm thế nào để theo đuổi bạn gái chưa? Theo đuổi bạn gái không phải là theo đuổi chỉ một người mà cần phải theo đuổi cả ai nữa? Bởi vì vấn đề “môn đăng hộ đối”, thật sự trước sau gì cũng được xét đến. Kết hôn tuyệt đối không phải chuyện của hai người mà là của hai gia tộc, hai gia đình có thể hòa thuận. Hôn nhân không được cha mẹ chúc phúc đa số sẽ không hạnh phúc.
Hiện nay, rất nhiều người kết hôn trên thiệp cưới viết là: “Hôn lễ của hai chúng tôi được tổ chức vào ngày…”. “Hai chúng tôi”, vậy ai là người lớn nhất vậy? Từ trong lời văn có thể nhận ra được người trẻ tuổi hiện nay quá bất kính. Việc lớn như vậy cũng không biết ai là cha, ai là mẹ, họ trực tiếp viết “hai chúng tôi”.
Vì vậy, người trẻ tuổi như chúng ta cần phải cố gắng suy xét lại mình. Nếu viết “hai chúng tôi” thì tỷ lệ thành công như thế nào? Hình như vui thì đến, còn nếu không vui thì sao? Vì vậy, cung kính rất quan trọng.
Chúng ta đến nhà bạn bè thì nên “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”. Chúng ta nên quan tâm đến người nhà của bạn bè, như vậy mới là đoàn kết yêu thương. Vì vậy, tôi kết bạn cũng có nguyên tắc như vậy.
Nếu cha mẹ của họ thường nghe con cái của họ nhắc đến tên của quý vị khi nói chuyện, thì cha mẹ của họ có thể nghĩ: “Người đó là ai vậy, vì sao con của mình thân thiết với người đó?”. Họ có suy nghĩ không? Họ có lo lắng không? “Con mình thân với Thái Lễ Húc như vậy, giả như Thái Lễ Húc là người xấu thì sẽ ra sao?”. Vì vậy, chúng ta phải chủ động làm cho cha mẹ của bạn bè yên tâm. Điều này rất quan trọng.
Tôi có thái độ như vậy từ khi tôi học trung học phổ thông. Tôi chơi rất thân với một bạn học nam. Tôi học ở Trường trung học Cao Hùng. Mẹ của bạn ấy rất lo lắng. Bởi vì lúc đó nghe nói đã có tình trạng đồng tính luyến ái, nên mẹ của bạn tôi rất lo lắng là con của họ thân với tôi không biết có vượt quá giới hạn không. Từ sự việc này tôi nhận thức được, kết bạn không chỉ thân với bạn của mình mà còn phải thân với người trong nhà của bạn nữa.
Ở Đại Lục tôi có hai người bạn thân, họ là vợ chồng. Có lần tôi đến nhà họ để cùng với họ đi phóng sinh. Tôi nghĩ, người trẻ chúng ta hiện nay kết bạn với nhau đều rất ít tiếp xúc với cha mẹ của bạn bè mình. Tôi cảm thấy như vậy là không tốt. Tôi nghĩ, có thể họ sẽ không ở trên nhà đợi tôi mà ở trước cổng chờ tôi đến là xuất phát.
Vì vậy, tôi mua một giỏ táo mang theo. Để làm gì? Tôi mang giỏ táo đến thì họ không thể không để cho tôi vào nhà ngồi chơi. Suy nghĩ của tôi có gian không vậy? Chúng ta phải xem ý định là gì. Nếu ý định này là lương thiện thì tốt. Đúng như dự đoán, khi tôi đến nhà họ, chưa vào nhà thì ba chiếc xe đạp đã được dẫn ra chuẩn bị xuất phát. Tôi nói: “Khó lắm tôi mới đến được nhà các bạn, không vào nhà thì làm sao được, nhất định phải vào chào hỏi cha mẹ của các bạn”.
Vì vậy tôi cùng với hai vợ chồng người bạn vào nhà. Hai bác gặp tôi cũng rất là thân thiết, ân cần hỏi han. Nói chuyện khoảng ba – năm phút thì hai bác nói: “Các con có việc bận thì hãy tranh thủ đi đi kẻo muộn”. Thật sự hai bác rất tâm lý, đều biết nghĩ thay cho người khác. Vì vậy, ba người chúng tôi liền đi.
Tối hôm đó, bạn tôi gọi điện nói: “Cha mẹ tôi muốn mời anh dùng bữa cơm”. Ba mẹ người bạn này mời tôi ăn cơm, hơn nữa còn đặc biệt chuẩn bị đồ chay cho tôi. Bởi vì năm, sáu năm trước tôi đã biết việc ăn chay là rất tốt cho sức khỏe nên liền ăn chay từ lúc đó.
Vì vậy, bữa cơm đó tôi cùng với họ ăn toàn món chay. Người xưa nói: “Gặp nhau tình nghĩa sẽ thêm sâu đậm”. Câu nói này rất có đạo lý. Vì vậy, ăn cùng nhau một bữa cơm liền cảm thấy gần gũi hơn.
Bạn tôi cũng giới thiệu tôi đang công tác ở “Trung Tâm Quốc Học Nhi Đồng”, vì vậy nghiên cứu tương đối nhiều về việc giáo dục trẻ em. Mẹ của người bạn đó đang trông con của em gái họ, bác ấy trông giữ cháu ngoại. Bởi vì ông bà giữ cháu thì khó tránh khỏi việc nuông chiều cháu, nên hai người họ thường khuyên cha mẹ không nên nuông chiều cháu quá nhưng cha mẹ hoàn toàn không nghe, vì vậy họ cảm thấy phiền não.
Sau khi ăn cơm xong, tôi nói chuyện với bác ấy về vấn đề giáo dục trẻ con. Ví dụ tôi hỏi bác ấy khi gắp thức ăn thì trước tiên nên gắp cho ai trước. Bác ấy bỗng nhiên ngộ ra: “Đúng rồi!”. Tôi thảo luận với bác ấy rất nhiều quan niệm, thí dụ phải vừa rộng lượng vừa nghiêm khắc.
Mỗi lần thảo luận về những quan niệm này, bác ấy thường nói: “Đúng! Đúng rồi!”. Người bạn của tôi ở bên cạnh liền nói: “Con đã nói với mẹ từ lâu rồi mà mẹ không nghe”. Anh ấy ở bên cạnh luôn lặp lại câu nói này. Quý vị bằng hữu, có nên xen vào câu nói này không? Không cần thiết. Lúc này “vô thanh thắng hữu thanh” (yên lặng là tốt nhất).
Quý vị xen vào như vậy, mẹ của quý vị sẽ cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, chúng ta không nên quá nôn nóng, nên “im lặng là vàng”. Đôi khi quý vị im lặng, mẹ của quý vị sẽ cảm thấy quý vị không hề đơn giản.
Chúng tôi dùng bữa cơm đó rất vui vẻ. Từ đó tôi nhận thức được, cần phải “đổi con để dạy dỗ”. “Đổi con để dạy dỗ” có nghĩa là, ví dụ con cái của quý vị mỗi ngày đều đi theo quý vị, có một số đạo lý chúng nghe rất quen thuộc nên ngược lại sẽ sinh ra lơ là không để ý. Nhưng khi người bạn rất thân của quý vị nhắc nhở bọn trẻ những đạo lý này thì nhất định chúng sẽ nói: “Thì ra không chỉ ba của con nói như vậy, mà chú cũng nói như vậy”.
Thái độ này của chúng sẽ được củng cố sâu thêm. Vì vậy, quý vị cần phải có một nhóm bạn tốt cùng nhau đến dạy cho con cái của mình. Có một nhóm thầy tốt, bạn hiền như vậy, thì việc dạy dỗ con cái của quý vị sẽ nhẹ nhàng hơn.
Khi ở Thẩm Quyến, chúng tôi cùng với rất nhiều giáo viên cùng nhau giảng bài, cùng nhau giao lưu, học trò của họ cũng đến học tập. Có một hôm, thầy Lý đã hỏi các em: “Giả như có một trăm triệu (nhân dân tệ) thì các em sẽ làm gì?”.
Có một em nói: “Em muốn làm bốn việc”.
- “Việc thứ nhất là em muốn xây một ngôi trường chuyên môn phổ biến giáo dục văn hóa truyền thống”. Đây là chí nguyện thứ nhất của em đó.
Quý vị bằng hữu đã từng nghe đứa trẻ nào có chí nguyện như vậy chưa? Vì vậy không phải đứa trẻ này ưu tú, mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh tốt. Ngoài cha mẹ ra, các bậc trưởng bối và bạn học mà chúng tiếp xúc đều có thái độ như vậy, đều có nhân sinh quan như vậy, nên tự nhiên “mưa dầm thấm sâu”, những đứa trẻ này sẽ được như vậy.
Tôi dạy ở Thẩm Quyến, các em đều không vắng mặt buổi học nào. Quý vị đừng thấy chúng còn nhỏ, ngồi ở bên dưới nghe rồi cười ha ha, mà sau đó chúng sẽ nói: “Chúng ta học tập thì nhất định phải lập chí làm Thánh làm Hiền”. Trong số đó có một em nói: “Nếu như không làm Thánh làm Hiền thì học để làm gì?”.
Vì vậy, quý vị học Thánh Hiền thì phải làm Thánh Hiền. Cuộc đời cần phải có chí khí, bởi vì việc học Thánh Hiền, làm Thánh Hiền thì không cầu ở người. Tục ngữ nói: “Lên trời khó, cầu người khó”. Học làm Thánh Hiền không khó bằng việc lên trời, không khó bằng cầu ở người, đều có thể nắm chắc ở trong tay mình.
- “Nguyện vọng thứ hai của em là muốn xây một bệnh viện dành cho những người nghèo khổ, để những người bị bệnh có thể được chăm sóc tốt”.
- “Nguyện vọng thứ ba là em muốn làm một kênh truyền hình Đại Ái”.
Bởi vì tôi đã mang bộ phim “Dắt tay nhau trong cuộc đời” của đài truyền hình Đại Ái đến Đại Lục cho các em xem, các em nhìn thấy Mã Văn Trọng hai chân đều bị tàn phế mà vẫn hết lòng làm công tác giáo dục, mở trường dạy học. Khi Mã Văn Trọng vừa bắt đầu làm, giả như quý vị là bạn của anh ấy thì quý vị sẽ nói với anh ấy như thế nào? Một người ngay cả việc đi đứng cũng không thuận tiện mà lại muốn làm giáo dục, mở trường học sao?
Quý vị sẽ nói với anh ấy như thế nào? Vì vậy, một người có chí hướng tốt, người đó lại thật sự muốn thực hiện chí hướng đó, thì ngoài cá nhân anh ấy phải có ý chí nỗ lực ra, bên cạnh của anh nhất định phải có người thân, bạn bè tốt ủng hộ. Mã Văn Trọng có được một người cha rất tốt, luôn luôn khuyến khích anh cần phải đạt được lý tưởng của mình.
Sau đó anh cũng thật sự làm được. Cho nên Mã Văn Trọng cũng dùng trọn cuộc đời ấn chứng câu nói trong sách “Trung Dung”: “Thành giả, vật chi chung thủy” (chân thành là điểm khởi đầu và kết thúc của mọi việc). Sự thành bại của một việc nằm ở chỗ nào? Từ đầu đến cuối đều xoay quanh “tâm chân thành”. Giả như tâm không chân thành thì sao? Một người tâm không thành thì cả cuộc đời chắc chắn không làm nên chuyện gì.
Quý vị bằng hữu, câu nói này là chân lý. Hiện nay quý vị thấy được rất nhiều người không chân thành, nhưng họ đi xe sang, ở nhà lớn, vậy là chân lý không đúng phải không? Không phải vậy, bởi vì có thể là cha ông của họ đã để lại một số của cải cho họ. Nhưng khi họ không chân thành thì phước phần của họ sẽ dần dần tiêu tán mất. Hơn nữa, thói sống xa xỉ này trực tiếp truyền lại cho con cháu của họ, nên sẽ nhanh chóng lụn bại.
Chúng ta nhìn sự việc cần phải nhìn đầu đuôi ngọn ngành, phải dùng trí huệ. Chỉ có chân thành mới có thể đứng vững không lay động, vì vậy “chí thành như thần”. Bởi vì Mã Văn Trọng có tình yêu giáo dục trẻ nhỏ, nên vợ của anh ở rất xa đã ngồi xe lửa đến giúp đỡ anh, kết hôn với anh. Càng ngày anh ấy càng được nhiều người ủng hộ sự nghiệp. Vì vậy, sự chân thành của một người có thể thức tỉnh tâm chân thành của mọi người.
Đứa trẻ này vì đã xem qua bộ phim “Dắt tay nhau trong cuộc đời”, nên đặc biệt cảm thấy phải làm kênh truyền hình Đại Ái để phát những tiết mục hay có thể giáo hóa lòng người, cải thiện nếp sống xã hội.
Chúng ta không nên xem thường sức phán đoán của trẻ em, bởi vì chúng cũng đã từng nghe Hòa thượng Tịnh Không giảng: “Hiện giờ muốn cứu xã hội này thì có hai nhóm người có sức mạnh nhất. Một là những người lãnh đạo quốc gia, hai là giới truyền thông, bởi vì trong thời gian ngắn họ có thể truyền những lời giáo huấn của Thánh Hiền đi khắp thế giới”. Ngay từ nhỏ, trẻ em đã tiếp nhận những lời giáo huấn này thì sẽ luôn luôn ghi nhớ ở trong tâm. Đây là nguyện vọng thứ ba.
- “Nguyện vọng thứ tư của em là muốn làm thầy Thái”.
Các vị phụ huynh không nên quá vui mừng. Giả như đây là con của quý vị, quý vị có vui không? “Rất vui!”. Nhưng mẹ của em nghe xong, bởi vì mẹ của em đang đi diễn giảng không có ở nhà, nên đã gọi điện thoại cho con của mình. Cô ấy nói: “Con à, con có những nguyện vọng này mẹ rất vui, nhưng mà những nguyện vọng này của con không nhất thiết phải cần đến một trăm triệu mới thực hiện được”.
Quý vị bằng hữu, độ nhạy bén của người mẹ này rất tốt. Cô ấy không mong muốn con mình chỉ phát nguyện suông, mà nguyện vọng nhất định phải từ ngay trong cuộc sống, ngay trong mỗi bước chân bắt đầu thực hiện. Nghe mẹ hỏi như vậy nên đứa con bắt đầu suy nghĩ. Người mẹ nói tiếp: “Thầy Thái có 100 triệu không? Chỉ cần chúng ta có học vấn tốt, có ý định tốt, cho dù không có một trăm triệu cũng có thể làm công việc cống hiến cho xã hội”.
Người mẹ này đã mang chí nguyện của con mình trở về thực tại, quay trở về với thực tại về việc hoàn thiện bản thân. Để trẻ em có tâm thái như vậy, giá trị quan của cuộc đời như vậy, điều chủ yếu nhất là chúng phải có môi trường tốt.
Quý vị bằng hữu, chúng ta có thể tìm một số thầy tốt, bạn hiền cùng chung chí hướng để thường xuyên cùng nhau học tập, hoặc cùng nhau đi leo núi để tình nghĩa hai bên càng sâu đậm, cũng là để thế hệ sau này có sự hỗ trợ tốt, hình thành một môi trường giáo dục, cùng nhau giáo dục tốt thế hệ sau này. Tin rằng quý vị cũng sẽ cảm thấy tương đối nhẹ nhàng, thật sự không giống với việc chỉ hai vợ chồng dạy con.
3.12.2 “Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”
“Sắp vào nhà, cất tiếng lớn”. Khi quý vị đến nhà của người khác, giả như chưa thấy ai thì trước tiên nhất định phải hỏi lớn: “Có ai ở nhà không vậy?”, tuyệt đối không nên tự ý đi ngắm nghía. Điều này cần phải cẩn thận. Nếu không, giả như trong nhà người ta mất đồ mà họ về nhà đúng lúc nhìn thấy quý vị như vậy, thì quý vị có một trăm cái miệng cũng chẳng thể biện bạch được, quý vị sẽ rất phiền phức.
Con người cả cuộc đời cần phải coi trọng danh tiết, uy tín và danh dự của mình, không thể vì một chút không cẩn thận mà chịu sự ô nhục. Như vậy sẽ không tốt.
3.12.3 “Người hỏi ai, nên nói tên, nói ta tôi, không rõ ràng”
Câu này nghĩa là khi nói chuyện điện thoại với mọi người, thí dụ nhấc điện thoại lên phải nói: “Chào anh/ chị! Tôi tên…”, ví dụ tôi tên là Thái Lễ Húc, như vậy người ta liền biết là quý vị gọi đến. Hiện nay có khi nghe điện thoại nói: “A lô! Xin hỏi anh là ai vậy?”, thì người bên kia trả lời: “Là tôi đây! Anh không biết à? Anh quên tôi rồi sao?”.
Chúng ta có thể là đang bận việc mà phải ở đó nói nhăng nói cuội với họ, trong lòng cũng rất căng thẳng, suy nghĩ cả nửa ngày thật sự nghĩ không ra là ai, như vậy thì rất thất lễ. Khi chúng ta gọi điện thoại phải nói: “Chào anh! Tôi là Lễ Húc đây. Bây giờ tôi nói chuyện với anh có tiện không?”. Luôn luôn nghĩ thay cho đối phương thì sẽ khiến cho đối phương cảm thấy rất thoải mái. Vì vậy, việc này cũng phải dạy cho các em.
Thí dụ các em bấm chuông cổng, người trong nhà hỏi: “Là ai vậy?”. Nếu trả lời “là tôi đây!” thì người ta làm sao biết được “tôi” là ai? Vì vậy “nói ta tôi, không rõ ràng”. Những việc nhỏ này cần phải nhắc nhở thêm.