Trang chủ Đệ tử quy Đệ Tử Quy Chương III: “Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần” (P2)

Đệ Tử Quy Chương III: “Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần” (P2)

0
Đệ Tử Quy Chương III: "Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần" (P2)

Đệ Tử Quy Chương III: “Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần” (P2)

Đệ Tử Quy Chương III: “Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần” (P2). Học tập quý ở sự kiên trì, cho nên phương pháp học tập là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Vì vậy, việc huân tập rất quan trọng. Tôi nhìn thấy thần khí của mọi người đều rất tốt, chứng tỏ thang thuốc này uống rất tốt, sáng tối đều đọc “Đệ Tử Quy”.

3.11 Kinh văn – Đệ Tử Quy

“Đấu náo trường, tuyệt vật cận. Tà tịch sự, tuyệt vật vấn”.

“Nơi ồn náo, chớ đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”.

3.11.1 “Nơi ồn náo, chớ đến gần” (tiếp) – Đệ Tử Quy

(Tiếp theo phần trước)

Học tập quý ở sự kiên trì, cho nên phương pháp học tập là “nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Vì vậy, việc huân tập rất quan trọng. Tôi nhìn thấy thần khí của mọi người đều rất tốt, chứng tỏ thang thuốc này uống rất tốt, sáng tối đều đọc “Đệ Tử Quy”. Nếu như khi quý vị đã học thuộc, trong bài giảng chúng tôi nêu ra những câu Kinh văn nào thì quý vị có thể ngộ ra trong phút chốc. Vì vậy, việc học thuộc lòng rất quan trọng.

Chúng tôi giảng đến: “Nơi ồn náo, chớ đến gần. Việc không đáng, quyết chớ hỏi”. Chúng tôi cũng đã phân tích, con trẻ kết giao với bạn xấu và đến những nơi chốn không tốt, nguyên nhân là do chúng không biết phán đoán được đúng – sai, thiện – ác. Nếu như muốn giải quyết tận gốc, tất nhiên phải vun bồi thật tốt nền tảng của đức hạnh từ lúc nhỏ, tự nhiên chúng sẽ không tiếp xúc với bạn bè xấu, hoặc đến nơi có hoàn cảnh tạp loạn.

Có một vị thầy giáo đi đường thường dẫn theo con của mình. Đứa bé mới một – hai tuổi. Mỗi lần đi qua những chốn ăn chơi (phố đèn đỏ), những chỗ chơi điện tử, ông đều nói với con: “Những chỗ như vậy sẽ làm con người ta ô nhiễm, sẽ làm cho con người ta học những điều xấu. Do đó, những nơi như vậy con tuyệt đối không nên vào”. Vì từ nhỏ đã được dạy, nên khi lớn lên chúng đi ngang qua những nơi đó chúng cũng không muốn nhìn. Đây gọi là “tiên nhập vi chủ” (cái gì đến trước là chủ, điều gì được dạy từ đầu sẽ mang tính quyết định). Cho nên giáo dục thật sự phải là “dự phòng bằng cách nghiêm cấm từ lúc sự việc chưa xảy ra”. Nhất định phải ngăn chặn từ khi chúng chưa hình thành, chưa bị ô nhiễm bởi thói xấu. Khi chúng đã hình thành những thói quen đó rồi thì rất khó sửa. Đây gọi là phương pháp phòng ngừa. Vì vậy, mức độ nhạy cảm trong giáo dục của phụ huynh cao thì mới có thể nắm được phương pháp phòng ngừa.

Thẩm Quyến, chúng tôi có mấy đứa trẻ khoảng sáu – bảy tuổi cùng nhau học tập Kinh điển. Có một buổi tối, giáo viên hỏi các em: “Thế nào là tâm tốt? Thế nào là tâm xấu? Cái gì là thiện, cái gì là ác?”. Sáu đứa trẻ đó đã trả lời những đáp án dưới đây. Tôi đọc cho quý vị nghe thử xem sau khi đã học Kinh điển được một, hai năm thì sức phán đoán và tâm của các em trở nên như thế nào.

Thế nào là tâm tốt?

Trước tiên, các em nói thế nào là tâm tốt:

  • Học sinh thứ nhất nói: “Món đồ mà mình muốn nhưng người khác cũng muốn thì nên nhường cho người khác”. Đây là tinh thần nhường nhịn.
  • Học sinh thứ hai nói: Hiếu thảo với cha mẹ, dốc lòng học tập, cung kính với người khác là tâm tốt. “Hiếu” và “Kính” là nền tảng lớn nhất của đức hạnh.

Khi tôi dạy học trò, buổi học đầu tiên tôi vẽ một bức hình rồi hỏi các em: “Này các em, đây là cái gì?”. Tôi nói tiếp với các em: “Phần nho nhỏ nhô lên trên mặt nước này là một góc của núi băng. Một góc của núi băng này chỉ chiếm 5% núi băng”. Tiếp đến tôi hỏi chúng: “Các em có nhìn thấy núi băng chưa? 95% núi băng ở đâu?”. “95% núi băng ở dưới biển chưa được phát hiện. Vì vậy, tiềm lực của con người giống như núi băng, phần nhiều đều bị chôn vùi. Vậy thì làm sao phát hiện ra 95% này? Hôm nay thầy tặng các em hai chiếc chìa khóa để mở nó. Chìa thứ nhất là hiếu thảo, chìa thứ hai là lễ phép” (Thật sự bản chất của lễ phép chính là tâm cung kính).

Vì vậy, tôi nói với các em: “Các em xem, vua Thuấn thời xưa hiếu thảo nên ông mới có trí huệ rất cao. Không chỉ trí huệ cao mà cả trí huệ lẫn đức hạnh của ông đều cao, nên ông được người dân cả nước yêu mến, tôn sùng và noi theo”. Quý vị xem, họ có thể phát huy tiềm lực rất tốt.

Thứ hai là lễ phép, cung kính. Tôi nói với các em nhỏ: “Bởi vì thầy rất lễ phép nên đã quen biết với chú Lư, vì vậy mới học được trí huệ và kinh nghiệm của chú Lư, đồng thời có thể làm cho năng lực của mình bộc phát ra”.

Sau buổi học đó, các em có thay đổi gì không? Hiện nay bọn trẻ cũng rất thực tế. Kể từ ngày hôm đó, khi nhìn thấy thầy cô giáo hoặc nhìn thấy những phụ huynh khác thì các em đều cúi người chào hỏi. Quý vị bằng hữu, dạy người làm thiện chớ dạy quá cao. Quý vị không nên nói họ quá thực dụng, như vậy thì không chân thành. Không nên nói như vậy! Chỉ cần họ chịu cúi chào thì việc cúi chào này đến sau cùng hành động ở bên ngoài sẽ chuyển hóa nội tâm bên trong của họ. Rất nhiều người nói nhiều người làm việc thiện đều mong muốn có quả báo tốt. Tôi nói: “Muốn có quả báo tốt thì có gì là không tốt chứ? Ít nhất hành động của họ cũng giúp ích cho người khác, người khác cũng sẽ “thấy người thiện, nên sửa mình”. Khi họ tiếp tục làm điều thiện, tuy lúc đầu có thể là làm có mục đích, nhưng sau này họ càng lúc càng thấy nhiều người đáng thương, dần dần lòng tốt vốn có của họ tự nhiên sẽ bộc lộ ra”.

Nếu như chúng ta chỉ đứng ở bên cạnh nói: “Người này làm thiện là có mục đích, người kia cũng như vậy”. Chúng ta chỉ nhìn người khác, còn bản thân chúng ta thì đứng yên bất động, như vậy chúng ta có tư cách gì mà phê bình người khác? Vì vậy, khi người khác làm điều thiện, cho dù họ có mong cầu hay không thì chúng ta đều nên tùy hỷ tán thán, tùy hỷ công đức. Như vậy càng ngày họ càng nhận được sự cổ vũ, tự nhiên càng làm càng chân thành, càng hoan hỷ. Vì vậy, tôi đã tặng cho học trò hai chiếc chìa khóa này.

Khi nào thì có thể dùng hai chìa khóa này để mở? Hai chiếc chìa khóa này không giới hạn tuổi tác, tám mươi tuổi vẫn dùng để mở được.

Khi tôi diễn giảng ở Hàng Châu đến ngày thứ tư, đột nhiên trong lúc nghỉ giải lao thì có một vị trưởng bối bảy mươi tuổi đến nói với tôi: “Thầy Thái à! Bài học đầu tiên của đời người là hiếu đạo vậy mà đến bảy mươi tuổi tôi mới được học. Nhưng có bắt đầu thì cũng không quá muộn”.

Khổng Lão Phu Tử nói: “Sáng nghe đạo, tối chết cũng được”. Chỉ cần thông suốt đạo lý, thật sự làm theo thì đời này nhất định không uổng phí.

Ngoài ra, lúc diễn giảng ở Thượng Hải, ngày thứ nhất chúng tôi vừa giảng xong phần “nhập tắc hiếu” (ở nhà phải hiếu), có một vị trưởng bối sáu mươi tuổi dẫn theo người con đến nghe. Sau khi giảng xong ngày thứ nhất, trước khi ăn cơm ông rất xúc động, đến bên bàn giáo viên của chúng tôi nói rằng cuối cùng ông đã biết được vì sao ông tu thân, tu hành hơn mười năm mà cảm thấy mình không có gì tiến triển. Dù học như thế nào ông vẫn cảm thấy tâm mình chưa đủ chân thành, chưa đủ cung kính. Ông tìm mãi không ra nguyên nhân. Sau khi nghe xong “nhập tắc hiếu”, ông bỗng nhiên ngộ ra. Hóa ra ông xây nhà, tầng thứ nhất xây chưa xong đã xây tầng thứ ba.

Có thể người khác đã khuyên ông: “Ông hãy đi xuống xây tầng một trước đi!”, nhưng ông lại nói: “Tôi đã ở tầng thứ ba rồi, sao còn gọi tôi xuống chứ?”. Thật sự chúng ta đang ở tầng thứ ba, nhưng là dùng hai cây tre để chống đỡ. Tuy thật sự là ở tầng ba, nhưng bất cứ lúc nào nó cũng có thể như thế nào? Vì vậy người khác có lòng tốt nói: “Hãy xuống đi!”, nhưng ông còn nói: “Trình độ thấp hơn tôi mà lại gọi tôi xuống”. Do đó, khi ông đã hiểu được hóa ra nền tảng rất quan trọng, ông mới hiểu được tại sao mình cứ mãi chơi vơi. Cuối cùng, ông đã tìm ra nguyên nhân. Con người lý đắc thì tâm mới an (hiểu rõ đạo lý rồi thì tâm liền an), về sau thì mỗi bước đi của ông mới có thể vững chắc.

Em học sinh này nhắc đến “hiếu thảo” với cha mẹ, chuyên tâm học tập, cung kính với người khác là tâm tốt thì em đã trưởng dưỡng nền tảng của đức hạnh là “hiếu”“kính”.

  • Em tiếp theo nói: “Tâm làm được Đệ Tử Quy là tâm tốt”.
  • Một em khác nói: “Làm được Hiếu Kinh từ chương thứ nhất đến chương thứ mười tám, sau đó nghe lời thầy giáo làm được Thường Lễ Cử Yếu (Lễ phép thường ngày) là tâm tốt”. Ngay cả “Thường Lễ Cử Yếu” mà các em cũng đã học thuộc lòng.

Có một bạn nhỏ đến nhà bạn nhưng người bạn này không có ở nhà. Em đó đã xếp con hạc giấy để ngay cửa nhà của người bạn, muốn nói với người bạn ấy là mình đã đến. Vì vậy, chúng ta không nên xem thường khả năng vận dụng linh hoạt của trẻ em. Những điều chúng học được chúng đều có thể áp dụng vào trong cuộc sống.

  • Em tiếp theo nói: “Tâm trí tuệ là tâm tốt. Hơn nữa, tâm làm việc tốt là tâm tốt. Không cần đôn đốc mà đi làm là tâm tốt”.

Quý vị bằng hữu, đạt được đến cảnh giới này thì sẽ biết tự mình quán chiếu xem tâm của mình là thật hay giả.

  • Em tiếp theo nói: “Biết đó là việc tốt liền đi làm là tâm tốt”.
  • Em khác nói: “Tâm hiểu được đạo lý là tâm tốt”.

Thế nào là tâm xấu?

Trẻ em hiểu tâm xấu là tâm như thế nào?

  • Em thứ nhất nói: “Tâm không giúp đỡ người, tâm lừa dối người khác, tâm lãng phí là tâm xấu. Thí dụ lãng phí điện, nước, lãng phí sinh mạng, lãng phí đồ vật, lãng phí cuộc đời, lãng phí thời gian, đây đều là tâm lãng phí, là tâm xấu”.

Từ những câu trả lời của các em, chúng ta cũng có thể thấy rằng các em hiểu được điều gì là tốt? Học “Đệ Tử Quy” rất tốt. Từ thời gian, cuộc đời, sinh mạng, các em đều có thể nhìn thấy rõ ràng.

  • Em tiếp theo nói: Sỉ nhục người khác là tâm xấu.
  • Em khác nói: “Đùa giỡn quá mức là tâm xấu”. Em còn mở ngoặc nói: “Họa từ miệng ra”. Các em đã bắt đầu quán chiếu tâm của mình khi chung sống với người khác. Các em quán chiếu tâm mình, quán chiếu xem sẽ có hậu quả gì?
  • Em tiếp theo nói: “Tâm oán hận người khác là tâm xấu. Vì bản thân mình, không vì người khác là tâm xấu. Người khác đối với ta tốt, ta đối với họ không tốt là người không biết báo ơn, vong ân bội nghĩa”. Chúng tôi chép lại nguyên văn của các em, không thêm bớt chữ nào.
  • “Tâm thù hằn là tâm xấu” vì “ân phải báo, oán phải quên”.
  • Em tiếp theo nói: “Tâm keo kiệt bủn xỉn, tâm chỉ trích khuyết điểm của người khác, tâm giữ mãi sự sai lầm là tâm xấu”. Nói về tâm keo kiệt, “Đệ Tử Quy” có dạy: “Mình có tài, chớ dùng riêng”.
  • Em tiếp theo nói: “Tâm hại người khác, không có tâm thương yêu là tâm xấu”.
  • Em tiếp theo nói: “Không có tâm từ bi, biết việc tốt nên làm mà vẫn không làm là tâm xấu”.
  • Em khác nói: “Đối với hình của Khổng Tử mà không cung kính là tâm xấu”. Bởi vì lớp học của các em có treo bức ảnh của Khổng Tử. Ví dụ nói hôm nay đi dạo công viên trở về, thì phải đối trước ảnh của Khổng Lão Phu Tử nói: “Thưa ngài Khổng Tử, con đã về!”. Đây là thực hành câu: “Việc người chết, như người sống”.
Đệ Tử Quy Chương III: "Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần" (P2)
Đệ Tử Quy Chương III: “Nơi Ồn Náo, Chớ Đến Gần” (P2)

Có một lần ở Hải Khẩu tiến hành diễn tập phòng không, để cho con trẻ hiểu được lúc diễn tập phòng không thì nên chuẩn bị những gì. Giáo viên cũng nắm bắt cơ hội này để giáo dục các em nên đã nói với các em: “Lúc này các em nên chọn những đồ dùng cần thiết, không nên mang quá nhiều”. Sau đó gợi ý cho các em: “Các em có thể sẽ khát nước, nên phải mang một ít nước”. Kết quả là mỗi em mang những đồ dùng không như nhau. Những đứa bé trong lòng có cảm giác không an toàn thì mang theo rất nhiều đồ. Trong đó có một em không mang theo thứ gì, chỉ chạy đến mở ngăn kéo bàn lấy ra một bức ảnh đã được đóng khung, đó là bức hình của Khổng Tử. Sau đó em đến trước thầy giáo của mình và nói: “Thưa thầy! Hình này cần phải mang theo!”. Thầy giáo đứng đó rơi nước mắt. Ngay lúc nguy cấp như vậy mà ý niệm đầu tiên của em là nghĩ đến bức hình của Khổng Lão Phu Tử. Đứa trẻ như vậy sau này khi đối mặt với những chuyển biến trong cuộc đời thì tin rằng chắc chắn em sẽ nhớ được những lời giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử.

  • Em tiếp theo nói: Tâm sợ vất vả là tâm xấu. Bởi vì thầy giáo của các em mỗi tuần đều dạy cho các em một câu giáo huấn, trong đó có câu: “Sợ vất vả thì cả đời chịu vất vả, không sợ vất vả thì chỉ chịu vất vả một lần”. Vì vậy, nhân lúc tuổi còn trẻ hãy cố gắng nỗ lực làm, đến lúc già có thể hưởng được phước báu.
  • Em tiếp theo nói: “Bên ngoài làm việc tốt nhưng trong lòng nghĩ việc xấu là tâm xấu”. Chúng biết lời nói phải đi đôi với việc làm.
  • Em khác nói: “Tâm bất hiếu với cha mẹ là tâm xấu”.
  • Em tiếp theo nói:“Tâm phá hoại là tâm xấu”.
  • Em tiếp theo nói: “Mẹ không biết mà nói mẹ ngốc là tâm xấu”.
  • Em tiếp theo nói: “Không làm được Đệ Tử Quy là tâm xấu”.
  • Em khác thì nói: “Vốn có thể làm được nhưng cứ nghĩ làm không được là tâm xấu”. Vì vậy phải “không sợ khó” .“Vua Thuấn là ai, Vua Vũ là ai ? Các Ngài làm được thì ta cũng làm được”.
  • Em kế tiếp nói: Những thứ mình không muốn mà lấy đem cho người khác là tâm xấu.

Vì vậy, từ những câu trả lời này chúng ta có thể nhận thấy nền tảng quốc văn của những em này rất tốt. Những em này đã thay phiên nhau giảng bài “Đức Dục Khóa Bổn” (Bài học đạo đức). Chúng ta không nên xem thường ngộ tính của trẻ nhỏ. Thật sự học “Văn Ngôn Văn” (cổ văn) không khó như chúng ta tưởng tượng. Tiết học sau tôi sẽ chia sẻ tâm đắc về việc học Văn Ngôn Văn với quý vị.

Một hôm, người mẹ nói với đứa con rằng: “Học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi”. Em này suy nghĩ một lúc liền nói: “Mẹ ơi! Con hiểu rồi, học như lái xe lên dốc, không tiến thì sẽ bị lùi lại”. Vì vậy, em bé này đã nhận thức được một số đạo lý trong cuộc sống.

Từ cách nhìn của các em đối với tâm tốt, tâm xấu thì chúng ta cũng có thể biết được trong tâm của các em đều có thước đo thiện – ác, đúng – sai. Đợi các em huân tập như vậy ba đến năm năm, tôi tin rằng nền tảng mới có thể vững chắc, khi đó những người làm cha mẹ như chúng ta mới có thể gối cao đầu mà ngủ. Chúng ta phải biết tính bài toán đầu tư cho cuộc đời của chúng ta.

Xem mời xem tiếp phần sau: “Việc Không Đáng, Quyết Chớ Hỏi”

Exit mobile version